Cuốn Từ điển tiếng Việt (dành cho học sinh) được biên soạn nhằm phục vụ rộng rãi nhu cầu giảng dạy, học tập và trau dồi tiếng Việt cho đối tượng chính là học sinh, giáo viên và các bậc phụ huynh. Từ điển được biên soạn theo tinh thần chuẩn hóa và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
A. CẤU TRÚC VĨ MÔ
1. Quyển từ điển thu thập khoảng 30.000 mục từ, bao gồm:
– Từ ngữ xuất hiện nhiều trong sách giáo khoa tiếng Việt và Ngữ văn phổ thông các cấp và sách giáo khoa của một số môn học khác.
– Từ ngữ thường dùng trên sách báo và trong đời sống hàng ngày, phổ biến trong cả nước.
– Từ ngữ địa phương được dùng tương đối phổ biến trên sách báo.
– Từ ngữ cổ, từ ngữ lịch sử xuất hiện trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ, trong một số tác phẩm văn học cổ, đặc biệt là những tác phẩm được chọn lọc giảng dạy ở trường phổ thông (như Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Truyện Kiều, Lục Vân Tiên…).
– Thuật ngữ khoa học – kĩ thuật thường dùng phổ biến trong sách giáo khoa.
– Từ ngữ mới được sáng tạo gần đây, được sử dụng tương đối phổ biến, ổn định, chứng tỏ sự chấp nhận của xãhội, như kích cầu, xuất toán, du lịch sinh thái, kinh tế tri thức,…
– Yếu tố Hán Việt có khả năng tạo từ lớn, không chỉ tạo ra từ Hán – Việt mà cả một số từ ngữ không phải Hán
– Việt, như bất, phi, vô, tặc, siêu, hóa, đại,…
2. Cách thể hiện mục từ
– Mỗi mục từ được thể hiện bằng một hình thức chính tả duy nhất.
– Các đơn vị đồng âm được xếp thành mục từ riêng và dùng chữ số Ả Rập đặt ngay cạnh bên phải mục từ, hơi thấp xuống dưới và xếp theo trật tự từ loại để phân biệt. Ví dụ: đường1. và đường2.
– Các mục từ còn có quan hệ với nhau về ý nghĩa nhưng thuộc các từ loại khác nhau (thường được gọi là hiện tượng chuyển loại hay đồng âm cùng gốc) được đặt trong một mục từ và dùng chữ số La Mã để phân biệt, kiểu như: cày I. d và II. đg.
3. Trật tự các mục từ
– Các mục từ được sắp xếp theo trật tự chữ cái A, Ă, Â, B, C, D, Đ, E, Ê, F, G, H, I, J, K, L, M, N, O, Ô, Ơ, P, Q, R, S, T, U, Ư, V, W, X, Y, Z và theo trật tự thanh điệu: không dấu, huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng.
– Ưu tiên trật tự chữ cái trước, sau mới đến thanh điệu.
4. Chính tả
– Chính tả trong quyển từ điển này căn cứ theo Quyết định số 240/QĐ ngày 5 – 3 – 1984 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành kèm theo “Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt”. Các thuật ngữ khoa học mượn nước ngoài trong từ điển được viết theo lối chuyển tự viết liền (trừ một số trường hợp viết nguyên dạng như internet, video, fax…), đồng thời có chú dạng chính tả gốc hay chính tả có tính quốc tế (như prôtêin cv. protein).
– Từ đa tiết mượn của tiếng nước ngoài nhưng đã phiên âm Việt hóa không theo dạng chữ nước ngoài thì viết tách rời âm tiết: ba lô, xà phòng, xi măng.
– Các mục từ được thể hiện bằng phông chữ đậm, không viết hoa chữ cái đầu của mục từ.
B. CẤU TRÚC VI MÔ
1. Cấu tạo mục từ
– Các nghĩa của từ đa nghĩa trong một mục từ được đánh số liên tục bằng chữ số Ả Rập.
– Cấu tạo của một mục từ (với từ đa nghĩa thì là của một nghĩa) gồm 4 thành phần, cung cấp 4 thông tin về mục từ. Đó là:
a. Chú thích về từ loại.
b. Chú thích về phong cách, phạm vi sử dụng, sắc thái tu từ.
c. Lời giải nghĩa.
d. Thí dụ.
2. Cuốn từ điển chú thích 8 từ loại theo hệ thống phân loại trong quyển Ngữ pháp tiếng Việt (Ủy ban Khoa học Xã hội, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1983, tái bản năm 2000) như sau:
d. danh từ
đg. động từ
t. tính từ
đ. đại từ
p. phụ từ
l. liên từ
gi. giới từ
th. thán từ
Trong trường hợp có sự lưỡng lự giữa hai khả năng quy từ loại thì chú thích cả hai khả năng theo kiểu “đg hay t”.
3. Lời giải nghĩa trong từ điển cố gắng ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, chỉ trong khuôn khổ một câu. Để thể hiện đúng tính chất phổ thông, thích hợp cho đối tượng phục vụ của mình, trong nhiều trường hợp cho phép giải thích bằng đồng nghĩa, trái nghĩa.
4. Chú thích về sắc thái và / hoặc phạm vi sử dụng được đặt trong ngoặc đơn và đứng ngay trước lời giải thích nghĩa. Các chú thích loại này gồm:
cũ;
chm. (chuyên môn)
id. (ít dùng)
kng. (khẩu ngữ)
ph. (phương ngữ)
trtr. (trang trọng)
vch. (văn chương)
5. Cuốn từ điển chủ yếu dùng kiểu định nghĩa phân tích, vạch rõ nội dung nghĩa của từ, cố gắng thể hiện gọn trong một câu. Những từ cũ hoặc phương ngữ có từ tương đương trong tiếng Việt hiện nay thì định nghĩa đơn giản bằng từ tương đương đó.
6. Thí dụ có tác dụng cụ thể hóa định nghĩa, khả năng kết hợp, phạm vi và cách sử dụng từ, vì vậy, ví dụ là một thành phần quan trọng. Ngoài thí dụ là những tổ hợp từ hay câu điển hình do người biên soạn từ điển tạo ra, quyển từ điển này còn đưa những ví dụ được trích dẫn từ sách giáo khoa, từ ca dao, tục ngữ, từ những tác phẩm tiêu biểu của các tác giả xưa và nay, đồng thời cũng bổ sung những ví dụ trích dẫn từ các nguồn khác (sách, báo, internet,…), nhằm giúp người học và sử dụng tiếng Việt tăng thêm kiến thức về cách dùng từ ngữ về văn học và về văn hóa.
7. Từ điển dùng lối chuyển chú:
– A x. B (A xem B):
+ Một hình thức chính tả là A sang hình thức chính tả là B chuẩn hơn hay phổ biến hơn: sát nhập x. Sáp nhập.
+ Khi A đồng nghĩa hoàn toàn với B, nhưng không được dùng phổ biến như B. Ví dụ: ngày xửa ngày xưa x.
Ngày xưa.
– A như B, được dùng để chuyển chú một đơn vị từ vựng A sang đơn vị từ vựng B không đồng nghĩa hoàn toàn, do khác nhau chút ít về sắc thái nghĩa, cách dùng hoặc khả năng tổ hợp. Ví dụ: ngạt ngào t. như ngào ngạt;
gìn giữ đg. Như giữ gìn.
– Để cuốn từ điển gọn nhẹ, những dạng chính tả hiện không được coi là chuẩn, không làm thành mục từ độc lập, nhưng có thể được chú thêm vào mục từ. Có hai kiểu chú ở mục từ:
+ a cn. B (cũng nói b): tụ điện cn. Tụ.
+ a cv. B (cũng viết b): hiđrô cv. Hydrogen.
8. Một số từ viết tắt trong sách:
T. | tập |
TR. | trang |
TV. | sách Tiếng Việt |
NVNC. | sách Ngữ văn nâng cao |
THÔNG TIN XUẤT BẢN
Tác giả | PGS.TS Hà Quang Năng (chủ biên), ThS, Hà Thị Quế Hương, Ths, Dương Thị Dung, Ths, Đặng Thúy Hằng |
---|---|
NXB | NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội |
Năm XB | 2017 |
Trọng lượng (gr) | 500 |
Kích thước | 11 x 18 |
Số trang | 492 |
Hình thức | Bìa Mềm |
Ngôn ngữ | Sách tiếng Việt |